Ong có đến hơn 20.000 chủng, tồn tại từ hơn 100 triệu năm trước, góp vai trò cho sự tồn tại của nhân loại và giữ cân bằng hệ sinh thái lẫn sản xuất nông nghiệp. Một tổ ong sẽ bao gồm ong chúa, ong đực và ong thợ. Ong chúa là thành viên quan trọng nhất tổ bởi ảnh hưởng đến sự tồn tại của tổ ong.
Hình thái của “nữ hoàng” khác với các loài ong còn lại trong tổ, kích thước lớn hơn và phần bụng lồi ra nhiều nên cánh không thể che hết. Ong chúa cũng có một cái nọc nhưng khác với nọc của ong thợ, nó có phần cong và không có khía nên không gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Ong chúa sẽ chịu trách nhiệm cho công việc sinh sản của loài ong. Một con ong chúa khỏe mạnh có thể đẻ liên tục. Vào mùa cao điểm, số lượng trứng có thể rơi vào khoảng 2.000 – 3.000 trong một ngày. Khi đến giai đoạn đẻ trứng, chúng sẽ dùng hai chân trước để đo kích thước của lỗ tổ để quyết định xem có nên đẻ vào đó trứng thụ tinh hay không thụ tinh.
Trứng được thụ tinh sẽ nở thành con cái (ong thợ hoặc ong chúa). Trứng không thụ tinh sẽ nở thành ong đực. Ngoài nhiệm vụ chính, ong chúa cũng có những sự thật thú vị khác.
1. Chế độ ăn đặc biệt
Trứng được đánh giá là có tiềm năng trở thành ong chúa trong tương lai sẽ được đặt trong một tế bào đặc biệt được gọi là “tế bào ong chúa” và được “đặc cách” nuôi dưỡng bằng chế độ ăn đặc biệt bằng sữa ong chúa – nguồn cung cấp protein dồi dào được tiết ra từ đầu của những con ong thợ non trong khi những ấu trùng khác chỉ được ăn sữa ong chúa trong 3 ngày rồi sau đó là hỗn hợp mật ong và phấn hoa. Loại thức ăn đặc biệt này giúp cô nàng trở thành loài ong có khả năng sinh sản duy nhất trong đàn.
2. Cuộc thi loại bỏ ong chúa
Quá trình ấu trùng phát triển thành nhộng kéo dài trong 8 ngày. Tiếp đến, ong thợ phủ lớp sáp ong vào lỗ tổ để bảo vệ nhộng.
Sau 15 ngày, ong chúa sẽ tạo lỗ tròn trên vỏ có hình dáng như một cánh cửa sập và chui ra để thực hiện công việc đầu tiên của mình là tiêu diệt những nhộng ong chúa khác bằng cách triệu tập chúng vào trận chiến bằng tiếng kêu trong ống của mình – âm thanh này chỉ ong chúa có thể tạo ra.
Người chiến thắng sẽ trở thành “nữ hoàng” của đàn.
3. Ong chúa không hoàn toàn là người ra quyết định
Mặc dù đóng vai trò quan trọng nhất nhưng ong chúa không là người đưa ra tất cả quyết định trong tổ ong. Nó sống phụ thuộc vào những con ong thợ.
Nếu ong thợ không cho ong chúa ăn, tắm rửa và chải chuốt, sức khỏe của nó sẽ bị giảm sút. Ngoài ra, đội ngũ công nhân cũng quan trọng cho quá trình đẻ trứng của ong chúa bởi nó sẽ không đẻ trứng nếu ong thợ chưa làm sạch và đánh bóng kỹ lưỡng các lỗ tổ.
4. Ong chúa không chết nếu nó đốt
Mọi người đều biết nếu một con ong đốt người hoặc động vật khác, chúng sẽ chết ngay lập tức. Nếu ong chúa buộc phải sử dụng đến “vũ khí” của mình, nó vẫn có thể sống sót.
Nguyên nhân nọc của ong thợ có các khứa gai, sẽ dính vào da của nạn nhân và làm cho túi độc của ong bị vỡ và chết trong quá trình này. Tuy nhiên, ong chúa hiếm khi đốt người vì nó dành phần lớn thời gian của mình ở trong tổ.
5. Ong chúa có mùi cơ thể độc đáo
Mỗi con ong chúa sở hữu một mùi đặc trưng riêng, được sử dụng như một phương tiện giao tiếp với các thành viên khác. Nữ hoàng sẽ phát ra pheromone – có thể hiểu đơn giản như hormone của con người nhưng nằm ở bên ngoài.
Các kích thích do ong chúa phát ra sẽ được truyền khắp nơi trong tổ, ong thợ tiếp tục phát tán chúng qua các ăng-ten trên đầu và bắt đầu thực hiện các hoạt động chăm sóc cho ong chúa. Pheromone sẽ giảm dần khi ong chúa càng lớn tuổi, sản lượng trứng cũng sẽ ảnh hưởng theo. Lúc này, một ong chúa mới sẽ được thay thế.
Hi vọng với kiến thức ở trên các bạn sẽ hiểu hơn về ong Chúa trong tổ ong Mật nhé. Khi có nhu cầu sử dụng Mật ong sạch bạn có thể liên hệ Thảo dược Soga - Đơn vị chuyên cung cấp Mật ong tự nhiên uy tín - đảm bảo chất lượng. Liên hệ Số điện thoại/Zalo: 0982.803.857 (Ms.Nhài) để đặt hàng và an tâm sử dụng nhé!
Nguồn tham khảo: Vnexpress.net